Hợp đồng cho thuê nhà

HÌNH THỨC CỦA HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở

Theo quy định của Luật nhà ở năm 2014, đối với hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì phải lập thành văn bản nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Việc quy định hợp đồng cho thuê nhà ở phải được lập thành văn bản nhằm bảo vệ lợi ích của mỗi bên tham gia hợp đồng.

Về mẫu hợp đồng thuê nhà ở, các bên có thể tham khảo nghị định 76/2015/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết về luật kinh doanh bất động sản.

NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ Ở

Theo quy định tại khoản 5 điều 121 về luật nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở phải bao gồm các nội dung sau:

1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;

2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch

3. Giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;

4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền

5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê

6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;

7. Cam kết của các bên;

8. Các thỏa thuận khác;

9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;

10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;

11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

Lưu ý: Mặc dù pháp luật quy định hợp đồng thuê nhà ở phải có những nội dung này, tuy nhiên các bên có thể bổ sung thêm những điều khoản về giải quyết tranh chấp (dispute resolution); hoặc những điều khoản về luật điều chỉnh hợp đồng (Governing law). Bởi vì hợp đồng thuê nhà ở được giao kết giữa một bên là người nước ngoài, một bên là tổ chức, cá nhân Việt Nam, do vậy các bên nên quy định về vấn đề luật điều chỉnh để thống nhất về luật nơi điều chỉnh hợp đồng nếu có tranh chấp xảy ra.

Nội dung của hợp đồng phải thỏa mãn quy định tại khoản 5 Điều 121 Luật nhà ở năm 2014. Ngoài ra, trong quá trình giao kết và soạn thảo hợp đồng các bên phải chú ý tới điều sau:

Các bên phải miêu tả rõ trong hợp đồng đối tượng của hợp đồng. Trong hợp đồng thuê nhà ở, các bên phải miêu tả rõ đặc điểm, vị trí, số lượng, tình trạng,…của nhà ở. Việc mô tả rõ ràng và đầy đủ đặc điểm của nhà ở sẽ giúp các bên có căn cứ để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Ví dụ: Bên thuê có thể yêu cầu bên cho thuê bàn giao nhà ở theo đúng hình dáng, chất lượng và tình trạng trong trường hợp bên cho thuê không bàn giao đúng nhà ở theo quy định thỏa thuận.